Một câu hỏi ngắn gọn nhưng nội chứa một hàm ý thật mở, trái chiều có, đối lập có. Có nhiều cách để trả lời những câu hỏi mở, nhưng tôi vẫn hay thích dùng cách đưa ra và trả lời những câu hỏi “con” trước, rồi dần dần tổng hợp và đúc kết lại […]
Một câu hỏi ngắn gọn nhưng nội chứa một hàm ý thật mở, trái chiều có, đối lập có. Có nhiều cách để trả lời những câu hỏi mở, nhưng tôi vẫn hay thích dùng cách đưa ra và trả lời những câu hỏi “con” trước, rồi dần dần tổng hợp và đúc kết lại thành một lập luận mang tính logic chặt chẽ.
Và câu hỏi nhỏ đầu tiên được đưa ra, vậy để đánh giá độ “ngon” của một chai rượu vang, chúng ta sẽ đánh giá dựa trên góc nhìn nào ?
Trước hết để đánh giá một sự vật, sự việc nào đó, chúng ta sẽ cần có một góc nhìn cho bản thân mình. Góc nhìn của mỗi cá nhân được sử dụng như những “con mắt riêng biệt”, nhưng con mắt này sẽ không đơn giản chỉ là để nhìn ngắm mà sẽ chứa đựng những sự suy xét và ý kiến độc lập của mỗi cá nhân, từ đó làm nền tảng để đánh giá sự vật, sự việc. Và để đánh giá về cái “ngon” của rượu vang, ắt hẳn sẽ tồn tại tiên quyết 2 góc nhìn, góc nhìn của những người chưa biết về rượu vang và những người đã có kiến thức về rượu vang.
Câu hỏi tiếp theo được đưa ra : Cái “ngon” của bên nào sẽ được cảm nhận một cách trọn vẹn và đúng hơn ?
Có lẽ đại đa số khi nghe đến câu hỏi này sẽ khẳng định một cách chắc chắn là những người có kiến thức về rượu vang sẽ cảm nhận một cách trọn vẹn và “chuẩn” hơn, bởi vì trên hết, họ có kiến thức để có thể cảm nhận được những chai vang đó. Còn đối với những người chưa biết gì về rượu vang, đó nhiều khi chỉ là một phản ứng nhất thời được tạo nên bởi hiệu ứng đám đông hay đơn giản chỉ là họ thấy hợp khẩu vị của họ.
Vậy điều gì giúp chúng ta có thể cảm nhận được cái “ngon” của rượu vang ?
Vị “ngon” của rượu vang trước tiên sẽ được cảm nhận bởi các giác quan (thị giác, khứu giác và vị giác).
Nhờ có các giác quan này mà tôi cảm nhận được vị “ngon” của rượu vang ?
Không đúng, các giác quan chỉ hoạt động đúng theo nhiệm vụ của mình rồi sau đó trở thành những phương tiện vẫn chuyển các tín hiệu thần kinh đến với nơi tổng hoà, đánh giá và điều khiển mọi cơ quan của con người, đó chính là bộ não. Vì vậy bộ não mới là nơi xử lý thông tin và đánh giá vị “ngon” của rượu vang.
Nếu theo một góc nhìn lập luận logic, chúng ta luôn nhìn nhận sự vật, sự việc dưới những góc nhìn khác nhau. Vậy bộ não sẽ đánh giá vị ngon của rượu vang dưới góc nhìn nào ?
Bộ não luôn nhìn nhận, xử lý thông tin, chi phối cảm xúc của con người dưới một lăng kính gọi là tâm trạng. Và đương nhiên cũng giống như mọi thái cực trên cuộc sống này (đều tồn tại Âm và Dương), lăng kính tâm trạng được chia ra làm hai nhánh đó chính là tâm trạng vui vẻ, khoẻ khoắn tràn đầy năng lượng và tâm trạng buồn chán, mệt mỏi và tiêu cực.
Khi bộ não nhìn nhận mọi thứ qua lăng kính tâm trạng vui vẻ, mọi thứ sẽ trở nên hấp dẫn, cuốn hút và tươi đẹp hơn rất nhiều. Chúng ta cảm nhận, đón nhận và đánh giá mọi thứ với một thiên hướng tích cực hơn. Ví dụ như trong một ngày đẹp trời với một tâm trạng rất vui vẻ, thì việc bạn uống một chai rượu vang không hợp gu của mình nó sẽ chỉ dừng lại ở : “Thôi uống thử chai này cho biết”. Và thử nghĩ xem, nếu bộ não của chúng ta nhìn nhận sự việc đó qua lăng kính mệt mỏi và chán nản, mọi chuyện sẽ nặng nề đến như thế nào.
Theo phương pháp tư duy của Socrate, một triết gia nổi tiếng của Hy Lạp cổ đại, khi ta nhìn từ câu hỏi đầu tiên, tư duy, phản lập luận và đối chiếu với câu hỏi cuối cùng, chúng ta sẽ có được câu trả lời.
Vì vậy như trong bài viết này, và theo quan điểm cá nhân của tôi, cảm nhận của một chai vang được coi là “ngon” sẽ phụ thuộc vào lăng kính tâm trạng của mỗi người.
Nhận xét và đánh giá vị “ngon” của một người không biết gì về rượu vang đối với cá nhân tôi cũng sẽ luôn ngang bằng với nhận xét và đánh giá của những người có kiến thức về rượu vang. Mỗi con người đều có một góc nhìn và quan điểm khác nhau, và ý kiến của ai cũng đều đáng được tôn trọng. Đôi khi đánh giá của những người chưa biết gì về rượu vang lại là một điểm sáng mới lạ, vì con đường họ đi vẫn còn chưa bước vào “lối mòn” tư duy và bị ảnh hưởng bởi nó.
Rượu vang là một nghệ thuật, và để cảm nhận được nó chúng ta hãy nên mở rộng tầm nhìn và khuôn thước tư duy của bản thân mình, từ tầng nông đến tầng sâu, từ cổ điển đến hiện đại, từ cũ đến mới…và không có một khuôn phép hay định kiến nào có thể bó buộc nghệ thuật, bó buộc lấy rượu vang..
– Một vài suy nghĩ bâng quơ (Hà Nội, 11/17/2023)